Bị teo cơ chân nhưng Phạm Như Ý (26 tuổi) vẫn chạy xe ôm miễn phí chở những người khuyết tật đi lại, tối lại chăm đến lớp học. Trước đó, Ý đi bán vé số suốt 13 năm liền.
Phạm Như Ý (26 tuổi) đang là thành viên trong đội xe ba bánh cho người khuyết tật. Sau giờ lái xe, Ý lại đến trường ĐH KHTN TP.HCM (Q.5, TP.HCM) để học về thiết kế đồ họa.
Phạm Như Ý và chiếc xe ba bánh để chở người khuyết tật miễn phí.
Sinh ra tại một làng chài ở Phú Yên, chàng trai Phạm Như Ý chỉ có một cuộc sống bình thường cho đến năm 3 tuổi. Năm ấy, một cơn sốt làm đôi chân bị teo lại đã khiến cuộc sống của Như Ý không còn được như ý. Chấp nhận đôi chân bị teo cơ, Ý tập làm quen với đôi nạng gỗ. Nhà nghèo, bố mất sớm, những chuyến đi biển của mẹ và anh không đủ trang trải cuộc sống cho cả năm anh em. Nhưng Ý vẫn cố gắng chăm chỉ học tập. Cậu thường xuyên là học sinh giỏi, nhận các giải thưởng cấp tỉnh.
Suốt 5 năm trời, Như Ý đến lớp trên đôi chân của người bạn thân cùng xóm. Nhưng đến lớp 6 thì chuyển trường, bạn không thể đưa Ý đi học được vì xa. Bỏ học gần một năm trời, bạn bè trong lớp vận động Ý quay lại bằng cách luân phiên chở đi học. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, Ý lại phải nghỉ. Lần này Ý nghỉ thật. Anh tâm sự: “Mình cũng muốn đi học lắm, đó là niềm vui cuộc sống của người khuyết tật. Nhưng cả nhà đi biển hàng tháng trời thì đâu có ai đưa đón được, bạn bè cũng không thể nên đành phải nghỉ”.
Việc học đứt gánh giữa đường, Ý ở nhà xay bột gạo kiếm tiền phụ mẹ và bắt đầu nghĩ đến chuyện Nam tiến. Năm 13 tuổi, Ý theo người quen vào Sài Gòn bán vé số vì “nghe nói Sài Gòn đẹp, dễ kiếm tiền nên xin mẹ cho vô”, Ý nói. Thời gian đầu, Ý sống tại đại lý. Đêm hay ngày, chàng trai khuyết tật vẫn len lỏi mọi ngóc ngách Sài Gòn để bán . “Lắm lần tủi hờn vì bị cướp vé số nên thấy mình bất hạnh quá. Tuy nhiên, nhìn những người khác còn khó hơn nên lại tự nhủ hãy lạc quan lên”, Ý tâm sự.
Bán được một thời gian, Ý tích góp đủ tiền mua chiếc xe lăn. Có xe, Ý tự đi bán mà không phải nhờ người khác chở nên tiền lời cũng nhiều hơn. Ý sống tiết kiệm để có tiền gửi về cho nhà và đi học tiếp.
Ngày chạy xe ôm miễn phí, tối đi học
Cơ duyên đưa Ý đến với trung tâm Khuyết tật và Phát triển – DRD Việt Nam. Ý là một trong những thành viên năng nổ của trung tâm. Tháng 6/2013, DRD triển khai dự án Dịch vụ xe ba bánh cho người khuyết tật. Ý liền đăng ký tham gia làm tài xế lái xe ôm. “Hồi bé được bạn bè đưa đi học sau không có ai đưa nữa nên rất đồng cảm với những người như mình. Việc lái xe ôm miễn phí là một cách để mình giúp lại những người khuyết tật”, Ý giải thích.
Mỗi ngày, Ý chở từ 5 – 6 cuốc xe ôm.
Trung bình một ngày, Ý cùng đội xe ôm ba bánh của mình chạy được khoảng 5 – 6 chuyến xe. Mỗi tháng, đội xe cũng được trung tâm DRD hỗ trợ một ít tiền công. Việc chạy xe ôm của người khuyết tật không đơn giản. Như những người khiếm thị thì không phải ai cũng rành mạch đường xá nên Ý phải hỏi rất nhiều người mới tìm ra địa điểm đón họ. Việc hỗ trợ người khuyết tật lên xe, đường kẹt xe, ngập nước cũng là những trắc trở mà Ý cùng mọi người hay gặp phải. Ý bộc bạch: “Việc bán vé số có thu nhập cao hơn nhưng mình thích lái xe ôm hơn vì giúp được nhưng người như mình. Thấy họ vui vẻ, cảm ơn mình rối rít là đủ để vui rồi”.
Ngày chạy xe, tối đến Ý vẫn đều đặn đi học thiết kế đồ họa tại trường ĐH KHTN TP.HCM. Ý luôn tự nhủ không thể mãi bán vé số mà phải có một nghề trong tay. Anh chia sẻ: “Mình thích thiết kế đồ họa và ngành đó cũng hợp với người như mình. Năm 2011, mình đăng ký học nhưng trong hồ sơ mình ghi là học đến lớp 6 người ta không nhận vì không biết tiếng Anh và tin học văn phòng”. Không nản, Ý đăng ký một lớp tin học văn phòng trước. Chưa có máy tính, cậu tới lớp sớm và về trễ có thể tự học thêm trên máy. Có chứng chỉ tin học, Ý chính thức được nhận vào lớp đồ họa và học đến bây giờ.
Hiện tại, Ý vẫn vừa làm tài xế, vừa đi học với mong ước một ngày không xa sẽ được về quê mở một cơ sở thiết kế đồ họa của riêng mình.
0 nhận xét