Tuy gói hỗ trợ ưu đãi nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã triển khai được hơn nửa năm nhưng mới giải ngân được một lượng nhỏ. Vì vậy, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp BĐS và các ngân hàng cho rằng muốn giải ngân nhanh gói nghìn tỷ này cần có thêm nhiều sự điều chỉnh hơn nữa.
Chỉ giải ngân vài phần trăm trong vòng hơn 6 tháng đã khiến nhiều người lo ngại về tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, các khó khăn đối với thị trường bất động sản năm 2013 về cơ bản vẫn chưa được giải quyết, nên dự đoán năm 2014 vẫn sẽ là một năm rất khó khăn đối với thị trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Diễn biến thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ theo xu thế giảm dần khó khăn. Tuy nhiên, để thị trường có thể hồi phục, cần có các giải pháp kích cầu, trong đó, nguồn vốn tín dụng là một yếu tố quan trọng đối với thị trường này. Theo ông Châu, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cần mở rộng đối tượng được vay cho tất cả người tiêu dùng có nhu cầu và lãi suất phải giảm thêm; đồng thời, ưu tiên giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang để nhanh chóng có sản phẩm cung ứng cho thị trường.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, cho biết, Công ty triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhưng sẵn sàng bán với giá nhà ở xã hội, nên cũng muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng. Hiện tại, khoản vay 50 tỷ đồng của Lê Thành tại MHB vẫn phải trả lãi suất 15%/năm.
Hiệp hội bất động sản Tp. HCM cũng cho rằng, Chính phủ cần bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại có diện tích căn hộ dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay từ nguồn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Qua đó, nhanh chóng có thêm sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường, giải quyết nhanh hàng tồn kho và đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng được hưởng gói ưu đãi lãi suất, các doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, lãi suất cho vay cá nhân mua nhà cần giảm xuống 4,5%/năm, thay vì 5%/năm như hiện nay, đồng thời gia hạn thời gian trả nợ lên 20 năm.
Chẳng hạn, với khoản vay 500 triệu đồng trong 10 năm, hàng tháng, người vay phải trả trên dưới 5 triệu đồng, nhưng nếu thời gian trả nợ được giãn ra 20 năm thì hàng tháng, khách hàng cá nhân vay chỉ phải trả khoảng 2 - 3 triệu đồng. Điều đó sẽ giảm được gánh nặng và áp lực cho người vay vốn, nhất là người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người vay vốn, NHNN cần xem xét quy định chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu 10% cho phù hợp với khả năng tài chính, thay vì phải có 20 - 30% vốn đối ứng như yêu cầu hiện nay. Phần còn lại 90% tiền thuê, mua nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại sẽ được vay từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng.
Không đơn giản nhận giải ngân 3000 tỷ |
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước cho rằng, để tạo cầu cho thị trường bất động sản, bên cạnh vai trò của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ là lãi suất cũng cần xem xét từng bước điều chỉnh xuống thấp hơn và ổn định trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, theo ông Phước, để giảm được lãi suất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Lãi suất sẽ diễn biến theo chiều hướng của lạm phát. Hiện lãi suất đã giảm nhiều so với 2 năm trước, thậm chí, với lãi suất ưu đãi như của gói 30.000 tỷ đồng, mà việc giải ngân vẫn ách tắc. Vì thế, theo ông Phước, cần xem xét lại nguyên nhân: do lãi suất hay do nguồn hàng (nhà ở xã hôi) còn thiếu.
Tuy nhiên, ông Phước cũng nhìn nhận, nợ xấu của ngành ngân hàng gắn với bất động sản. Thị trường bất động sản khó khăn kéo dài thì nợ xấu cũng sẽ khó giải quyết. Hiện các ngân hàng đang tích cực rà soát để bán nợ xấu cho VAMC, song theo ông Phước, việc bán nợ cho VAMC chỉ là giải pháp cho ngân hàng "ngậm sâm" để đi tới bệnh viện, chứ chưa thể giải quyết dứt điểm được căn bệnh. Vì vậy, nếu không phục hồi thị trường bất động sản thì nợ xấu rất khó giải quyết. Do đó, ngoài các giải pháp kích cầu tín dụng nhà đất, trong đó có gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, cần xem xét để điều chỉnh các vướng mắc khác cũng như cho phép Việt kiều được mua nhà và đất nền .
(Theo NDHMoney)
0 nhận xét