Nữ tiếp viên của Vietnam Airlines khai tại cơ quan điều tra của Nhật, cô buôn lậu hàng hóa với sự gợi ý và cho phép của một cơ phó.
Thông tin đăng tải trên trang NHK của Nhật sáng ngày 27/3 cho biết, nữ tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc đã khai nhận tại cơ quan điều tra: Cô chuyển 21 chiếc áo jacket đến sân bay Quốc tế Kansai ở Osaka sau khi được sự gợi ý và cho phép của một cơ phó của Vietnam Airlines vì chuyển hàng trên cô có thể kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, Nguyễn Bích Ngọc cũng nói rằng, cô không hề biết số quần áo trên là hàng ăn cắp.
Qua điều tra cảnh sát Tokyo cũng cung cấp thêm thông tin, Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận chuyển 21 chiếc áo jacket trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng) từ người phụ nữ gốc Việt, 30 tuổi, hiện sinh sống tại Nhật Bản - Nguyễn Thị Ngọc Nga.
Nữ tiếp viên Vietnam Airline Nguyễn Bích Ngọc. |
Nguyễn Thị Ngọc Nga được cho là kẻ đứng đầu đường dây ăn cắp và buôn lậu từ Nhật Bản về tiêu thụ tại Việt Nam. Hàng hóa sau khi ăn cắp tại các siêu thị sẽ được Nguyễn Thị Ngọc Nga thuê các tiếp viên của Vietnam Airlines vận chuyển về nước cho em gái bán buôn số hàng này kiếm lời. Hiện người em gái nhận buôn số hàng này tại Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ danh tính.
Ngoài ra, trong đường dây buôn lậu này, cảnh sát Tokyo cũng nghi ngờ còn có 5 thành viên khác trong đội bay và cơ phó bay dính líu.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Chủ tịch Vietnam Airlines khi trả lời phỏng vấn trên đài NHK vào ngày 27/3 vừa qua, cũng đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc trên. Vị Phó Chủ tịch Vietnam Airlines cũng khẳng định, hãng sẽ hoàn toàn hợp tác với cảnh sát Nhật Bản điều tra các cáo buộc buôn lậu hàng hóa bị đánh cắp.
Ông Phan Xuân Đức - Phó Chủ tịch Vietnam Airlines trả lời trên đài NHK. |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc nữ tiếp viên của hãng bị Nhật bắt giữ vì nghi ngờ buôn lậu hàng hóa sang Việt Nam, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã yêu cầu đoàn bay, đoàn tiếp viên ra quyết định đình chỉ bay đối với 1 cơ phó và 4 nữ tiếp viên hàng không.
Phi công và tiếp viên bị đình chỉ công tác sẽ phải làm báo cáo giải trình về việc chấp hành kỷ luật cơ quan và trình bày rõ việc có hay không hoạt động vận chuyển hàng trộm cắp từ Nhật Bản. Trong thời gian bị đình chỉ, các phi công và tiếp viên bị đình chỉ không được tham gia bay quốc tế, trường hợp cấp bách vì thiếu nhân sự thì đoàn bay và đoàn tiếp viên có thể bố trí cho bay các tuyến nội địa.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra Tokyo, Nhật Bản điều tra làm sáng tỏ. Trong khoảng thời gian chờ đợi kết luận từ phía Nhật Bản, hình ảnh của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines đang bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Phan Xuân Đức khi trả lời báo Dân Việt cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất tiếc là hành vi của một nhân viên làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh và uy tín của hãng. Điều cần nói ở đây là chúng tôi đã triển khai đưa ra biện pháp kiểm tra từng chuyến bay hay xây dựng quy trình kiểm soát, kết hợp với các biện pháp trong giáo dục, huấn luyện, quản lý. Tuy nhiên việc tuân thủ còn tùy thuộc vào ý thức cá nhân.
Chúng tôi mong báo chí phối hợp các hãng hàng không chúng tôi để vừa giúp công ty phục hồi hình ảnh và vừa ngăn chặn những hành vi vi phạm".
Chúng tôi mong báo chí phối hợp các hãng hàng không chúng tôi để vừa giúp công ty phục hồi hình ảnh và vừa ngăn chặn những hành vi vi phạm".
0 nhận xét