Tình dục và bạo lực trần trụi, tràn lan trong Người đàn bà cuồng dâm.
- Nhận được nhiều lời khen hơn chê, song Nymphomaniac (Người đàn bà cuồng dâm) vẫn hoàn toàn trắng tay và có nguy cơ chết yểu.
Trần trụi, u ám, bạo lực khiến Người đàn bà cuồng dâm đã bị cấm chiếu tại Thổ Nhĩ Kì hồi đầu tháng 3. Trong thời gian tới, số phận của Nymphomaniac liệu có thay đổi tại các nước châu Âu và phương Đông - trong đó có Việt Nam? Hay cũng sẽ chết yểu tương tự những bộ phim quá nặng về sex khác?
Được xếp vào dòng phim chính thống và nghệ thuật, thậm chí công chiếu tại Liên hoan phim Berlin, xong gần đây Người đàn bà cuồng dâm được phen dậy sóng bởi nhiều luồng ý kiến trái chiều, kẻ khen người chê. Nói chung cách đánh giá phim có rất nhiều tiêu chí, cũng như việc Nymphomaniac đã phát hành rộng rãi ở Đan Mạch trong dịp giáng sinh năm 2013 nhưng lại không có cửa vào Thổ Nhĩ Kì. Và mặc dù được đa số đánh giá tích cực từ các nhà chuyên môn song khả năng được trình chiếu tại các nước châu Á nói chung, tại Việt Nam nói riêng vô cùng mờ mịt. Tựu chung lại có thể lí giải bởi những nguyên nhân sau:
Phản ánh một chủ đề nhạy cảm, Người đàn bà cuồng dâm được xem như một bản sử thi tình dục khi chen chúc trong toàn bộ 2 phần của bộ phim là những cảnh ái ân mãnh liệt, nhẹ nhàng có, bạo lực có, thậm chí phản cảm cũng có.
Cùng với tuyên ngôn “Quên tình yêu đi”, Nymphomaniac không chỉ gạt bay mọi chủ đề không–liên–quan–đến–tình–dục sang một bên mà còn dùng mọi cách để những hình ảnh ấy đậm hơn, sâu hơn trong cảm nhận của người xem. Rõ ràng, khi xem Người đàn bà cuồng dâm sẽ không còn có cảm giác bị khiêu khích, mơn trớn mà đó là sự tác động trực quan, trực tiếp với những tấm thân trần trụi quấn lấy nhau mọi tư thế không che chắn. Để xem được một bộ phận nhạy cảm nào đó trên cơ thể con người hẳn không mất công tìm kiếm nhiều hoặc để ý kĩ trên Nymphomania bởi vì chúng tràn ngập màn ảnh.
Người đàn bà cuồng dâm nếu được công nhận mang tính nghệ thuật thì nhất định phải dành cho những người sành phim hơn là dành cho quần chúng nói chung, bởi vì thực chất bộ phim sẽ là liều thuốc khơi dậy bản năng con người trước khi kịp cảm nhận những giá trị nghệ thuật rất mực cao siêu của vị đạo diễn “có chút đồng cảm với Hitle”. Để thẩm thấu được toàn bộ cái được gọi là nghệ thuật trong bộ phim này với người bình thường là điều không tưởng.
Lịch sử điện ảnh thế giới từng chứng kiến sự ra đời và nhanh chóng bị ruồng bỏ của những bộ phim mang tính bạo lực khiêu dâm quá đậm đặc: Last Tango in Paris (1972), Requiem for a Dream (2000), The Devils (1971), Lạc lối ở Bắc Kinh (2007), Di hòa viên (2006)… Nymphomania còn đi xa hơn thế khi tấn công màn ảnh bằng sự kết hợp giữa bạo lực và tình dục.
Thực tế chỉ cần một trong hai nội dung này bị lạm dụng quá đà sẽ bị cắt xén, tuýt còi ngay lập tức. Nên khó có thể tin được bộ phim này sẽ phá được vòng vây của những thuần phong mĩ tục, những quy định khắt khe về tôn giáo, văn hóa để tiếp cận với đa số công chúng tại châu Á cũng như tại Việt Nam.
Người đàn bà cuồng dâm được kéo dài tới tận 5 tiếng bản gốc và 228 phút công chiếu, chia làm hai phần với mạch phim chính là dòng hồi tưởng của nhân vật nữ chính Joe về căn bệnh nghiện tình dục. Điều đáng nói là ngoài việc mô tả và lặp lại, phim không còn ý nghĩa nào nổi bật để níu kéo người xem. Dựa theo cốt truyện trong Diary of Sex của Pháp năm 2008, thế nhưng nếu bộ phim của Pháp chỉ được gói gọn trong vòng 2 tiếng đủ để khắc họa nên sự sắc nét của khía cạnh tình dục thì Nymphomaniac cố gắng làm tròn đầy thêm những ám ảnh về cảm xúc và khó có thể giải thoát trong toàn bộ 2 phần của nó.
Nếu như phần một, đạo diễn Lars von Trie biết cách để người xem loại bỏ dần sự e ngại với chủ đề nhạy cảm chính và dụ dỗ họ bằng cách cho họ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thân thể, vẻ đẹp của nghệ thuật làm tình thì sang phần 2 chính là sự lợt lạt và nhạt nhòa của cảm xúc. Không còn sự tươi vui và đam mê của thời trẻ, âm hưởng chung của phim bị xâm chiếm bởi sự u ám nặng nề khiến người xem bức bối, mệt mỏi.
Nhìn chung Người đàn bà cuồng dâm ngoài một chủ đề nóng bỏng gây sự chú ý thì cách triển khai phim không đặc sắc. Hơn nữa nhiều nhà đánh giá cho rằng đây chính là một bước lùi của Lars von Trie khi xây dựng một mạch phim khá rườm rà, lê thê. Trước đó, Antichrist cũng có tiết tấu tương tự nhưng là một sự sắp đặt có chủ ý. Với Nymphomaniac, người xem có cảm giác ông cố gắng chèn vào những cảnh sex, cuồng bạo không đáng có chỉ để kéo dài thời lượng phim.
Với những tác phẩm kinh điển mô phỏng nhiều chủ đề có sức nặng việc kéo dài dung lượng phim sẽ giúp đạo diễn truyền tải được đầy đủ những tiểu tiết quan trọng nhưng việc quá hào phóng thời gian cho một nội dung có ít góc độ để khai thác như tình dục, sex thì tất yếu sẽ dẫn đến sự no nê, ngán ngẩm.
Mưa lời khen nhưng vẫn trắng tay
The Guardian: "Nymphomaniac khiến tôi thấy khó chịu, đẩy tôi ra khỏi câu chuyện, nhưng tôi thích nó. Chuyện phim chỉ xoay quanh mối quan hệ bị lạm dụng. Tôi rất muốn xem lại bộ phim này". Tờ Variety cũng cho rằng: "Trier chủ đích hướng tới khán giả những kích thích về trí tuệ, và khiến cho bộ phim này phù hợp với dân sành phim nhiều hơn là công chúng bình thường". Và một tờ báo uy tín khác The Hollywood Reporter: "Bộ phim có cấu trúc rất phá cách, giàu những giai thoại và rất tinh tế trong từng giai đoạn khác nhau của nhân vật Joe".
Tuy nhiên tại Liên hoan phim Berlin, Người đàn bà cuồng dâm tay trắng với các hạng mục giải. Điều đó có nghĩa là "cuộc cách mạng về điện ảnh" (như một số cách gọi dành cho phim này) chưa thể lên ngôi. Việc nắm trong tay một sự công nhận sẽ là một lợi thế để Nymphomaniac thừa thắng tấn công thị trường điện ảnh các nước nhưng Lars von Trie lại không có được may mắn này. Cùng với đó, phim vừa bị cấm chiếu tại Thổ Nhĩ Kì cũng là một "tiền án" không mấy sáng lạng để những quốc gia khác có thể cấp phép cho Người đàn bà cuồng dâm thả sức tung hoành.
0 nhận xét