TIN HOT KHÁC
Vương miện không may vuột khỏi tay
Chuyện tưởng như đùa, nhưng lại hoàn toàn có thật. Đêm hôm trước, bạn mừng đến phát khóc khi được đội chiếc vương miện Hoa hậu trong vòng tay chúc tụng của người thân, bạn bè và giới truyền thông. Ngày hôm sau, bạn “ngậm bồ hòn làm ngọt” để trao lại chiếc vương miện quý giá của mình cho đối thủ, trong lòng cay đắng nhưng miệng vẫn phải cười tươi như hoa. Có nhiều Hoa hậu trên thế giới đã không may rơi vào tình huống bẽ bàng này, mà nguyên nhân có thể do không xứng đáng với chiếc vương miện được trao, hay trớ trêu hơn là do... sự nhầm lẫn của Ban tổ chức.
Minh chứng điển hình nhất cho việc bị tước vương miện vì sự nhầm lẫn siêu ngớ ngẩn phải kể đến trường hợp của Hoa hậu “hụt” Sandra Marinovic và Denise Garrido.
Sandra Marinovic bị hụt chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Slovenia 2010 do danh sách người thắng giải bị đảo ngược: tên Hoa hậu Hoàn vũ nằm vị trí cuối cùng, còn Á hậu 2 lại ở vị trí đầu tiên. Trong khi đó, Denise Garrido lại bị tước vương miện từ một lỗi đánh máy của Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Canada 2013. Đúng là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, vì chẳng ai kịp nắm bắt bất kỳ cơ hội đổi đời nào từ ngôi vị Nữ hoàng nhan sắc.
Sandra Marinovic rạng rỡ khi nhận vương miện Miss Universe Slovenia 2010 nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi trao lại cho Marika Savšek
Tâm sự với chương trình Starting Point của kênh truyền hình CNN, Garrido vẫn chưa hết sốc: “Đó thật sự là một cú sốc lớn với tôi. Cả gia đình, thành phố đã chúc mừng tôi. Rồi 24 tiếng sau, có người nói với bạn kết quả cuộc thi bị nhầm, và bạn không phải là Hoa hậu”. Trong khi Hoa hậu mới ăn mừng chiến thắng và hoan hỉ chờ cơ hội đại diện quốc gia tham dự các kì thi sắc đẹp quốc tế, thì hai cô Hoa hậu “hụt” không may này chỉ còn biết ngậm ngùi khóc thầm cho số phận hẩm hiu của mình.
Nhưng dù sao, Denise Garrido và Sandra Marinovic vẫn được hưởng dư vị chiến thắng ngôi Hoa hậu trong vài ngày. Trường hợp của Hoa hậu Costa Rica khi tham dự cuộc thi Mrs World 2006 còn thê thảm hơn nhiều, vì cô chỉ kịp hưởng niềm vui chiến thắng trong vài phút. Nguyên nhân là Hoa hậu Quý bà Thế giới 2005 đã hấp tấp trao nhầm chiếc vương miện cho Hoa hậu Costa Rica thay vì cho người thắng cuộc là Hoa hậu Nga.
Scandal trao nhầm vương miện khôi hài còn được nhiều người nhắc đến là vụ Á hậu Christina Silva ở cuộc thi Hoa hậu California 2008. Uất ức vì việc làm thiếu chuyên nghiệp của Ban tổ chức, Christina đã khởi kiện và đòi bồi thường 500.000 USD vì những tổn thất tinh thần mà cô phải gánh chịu.
Tuy nhiên, có nhiều mỹ nhân khác may mắn hơn những Hoa hậu “hụt” này vì phải “muối mặt” chia tay chiếc vương miện mình dày công khổ cực để đạt được trong tủi hổ và nước mắt. Tất cả do cách cư xử không chuyên nghiệp, khai gian hồ sơ, vi phạm nội quy cuộc thi, hay vì cuộc sống sa lầy trong scandal sex, ma túy, rượu và khoe thân…
Vì những tấm ảnh nude trên tạp chí, Vanessa Williams đã phải từ bỏ vương miện của mình.
Trường hợp đầu tiên bị tước vương miện là vào năm 1983, xảy ra với Hoa hậu Mỹ gốc Phi Vanessa Williams. Dù chiến thắng của Vanessa được coi là bước ngoặt gỡ bỏ hàng rào phân biệt chủng tộc ở các cuộc thi sắc đẹp, nhưng vẫn chưa đủ sức để cứu cô thoát khỏi sự phẫn nộ của dư luận trước những bức ảnh khỏa thân nóng bỏng chụp trước đó cho tạp chí đàn ông Penthouse. Vì vậy, chỉ sau 10 tháng sở hữu, chiếc vương miện Hoa hậu Mỹ đã phải thay chủ nhân mới.
Một trong những yêu cầu khắt khe của các cuộc thi sắc đẹp uy tín, danh giá là thí sinh và hoa hậu sau này đều không được để lộ các phần thân thể nhạy cảm ra công chúng. Cho nên, việc trót dại chụp ảnh khỏa thân, bán nude trước khi quyết định thi hoa hậu hay sau khi đã đăng quang là cách dễ dàng nhất để từ giã chiếc vương miện danh giá. Có thể kể ra hàng loạt các hoa hậu xinh đẹp đã bị tước vương miện vì lỗi này như Hoa hậu Thế giới 1980 Gabriela Brum, Hoa hậu Nevada – Mỹ Katie Rees, Hoa hậu California Carrie Prejean v.v...
Gian dối cũng là cách nhanh nhất để nói lời tạm biệt danh hiệu hoa hậu đầy cao quý. Hàng loạt nhan sắc tưởng chừng đại diện xuất sắc nhất cho chức danh Hoa hậu - Nữ hoàng sắc đẹp và đức hạnh, lại bị tước ngôi vì tư cách đạo đức quá kém của mình. Trong khi ở nước ta, các cơ quan chức năng và có thẩm quyền vẫn còn đang cân nhắc xem có nên tước vương miện của Hoa hậu Diễm Hương hay không, thì ở nước ngoài, Ban tổ chức các cuộc thi lớn đã mạnh tay hơn. Vài chục hoa hậu đã phải chia tay chiếc vương miện trong tủi hổ vì khai man, từ tình trạng hôn nhân, tuổi tác, quê quán, gian lận phiếu bầu cho đến có thai trước khi dự thi…
Chỉ trong năm 2010, cả thế giới đã chứng kiến hơn 6 hoa hậu quốc gia bị tước vương miện dù đăng quang chưa được bao lâu: Hoa hậu Hoàn vũ Ấn Độ, Hoa hậu CH Domenica, Hoa hậu Fiji bị mất vương miện vì tuổi còn quá nhỏ hoặc đã quá già, Hoa hậu New Zealand bị truất ngôi vì là công dân Nam Phi thay vì New Zealand, Hoa hậu Bulgari gian lận phiếu bầu chọn, Hoa hậu Hoàn vũ Domenica đã kết hôn…
Đâu hẳn cứ Hoa hậu là sẽ được đổi đời
Là "Nữ hoàng nhan sắc", có không ít bóng hồng mặc nhiên cho rằng sẽ được sở hữu nhiều ưu đãi hơn người, từ việc tham dự các buổi tiệc xa hoa, sang trọng, tiếp xúc với hàng loạt quý ông giàu sang lắm của, kiếm được hàng chục hợp đồng quảng cáo béo bở, tha hồ chưng diện trong gấm vóc, lụa là…
Nhưng tiếc thay, có không ít Hoa hậu, á hậu sau khi choáng ngợp trong hào quang phút chốc đã cay đắng nhận ra, là Hoa hậu cũng đồng nghĩa với việc phải đối diện với hàng loạt cạm bẫy không ngờ. Con đường tiến thân của Hoa hậu cũng không phải là thảm hoa hồng như mình từng mong đợi. Tuy tàn nhẫn, nhưng sự thật thì hoa hồng nào mà chẳng có gai, con đường ngắn nhất đâu chắc là con đường sẽ đưa mình đến thành công mãi mãi.
Khi đại diện quốc gia dự thi Miss Universe 2013, Miss Honduras – Diana Mendoza không thể ngờ được có ngày mình sẽ gánh scandal ê chề vì nghi vấn bị cưỡng hiếp tập thể.
Đến bây giờ, dù cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 đã khép lại từ lâu, nhưng dư vị của giải thưởng sắc đẹp danh giá này đã bị hoen ố bởi những scandal bên lề. Trong đó có cú sốc khó quên về nghi vấn một thí sinh của cuộc thi – Hoa hậu đại diện nước CH Honduras – Diana Mendoza đã bị đánh thuốc mê và có thể đã bị cưỡng hiếp tập thể bởi lực lượng an ninh. Cay đắng hơn, có không ít Hoa hậu, á hậu cũng từng là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp tàn nhẫn. Hai trong số ít người đẹp này đã can đảm tố cáo sự thật, bất chấp công khai đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh và tiếng tăm của chính mình.
Tháng 2 vừa qua, cả showbiz Philippines bị rúng động trước thông tin cựu Hoa hậu Roxanne Cabanero Acosta cáo buộc nam diễn viên hài kiêm MC tiếng tăm của nước này là Vhong Navarro đã cưỡng hiếp cô khi cô chỉ mới 20 tuổi. Lời buộc tội này được ví như một giọt nước tràn ly, gây căm phẫn cho dư luận Philippines về nhân cách đạo đức của Vhong Navarro, vì trước đó anh ta đang bị điều tra tội danh hãm hiếp người mẫu Deniece Cornejo.
Cựu Á hậu Mỹ, Hoa hậu bang Carolina – Jillian Mouring cũng đã can đảm kể về quá khứ đầy ám ảnh. Chỉ vì ngây thơ và cả tin mà cô đã trở thành nạn nhân của vụ cưỡng hiếp tập thể bởi chính quản lý của mình. Chia sẻ với tờCharlotte Observer, Jillian kể lại đầy cay đắng: “Tôi đăng quang Hoa hậu khi còn rất trẻ và đã mơ ước về cuộc sống sung sướng trong tương lai. Năm đó, quản lý hứa thưởng cho tôi một chuyến du lịch vòng quanh thế giới sau khi đoạt vương miện. Vào một ngày cuối năm 2007, trong chuyến du lịch, tôi đang ở khách sạn thì quản lý cùng hai người đàn ông xông vào. Họ cưỡng hiếp tôi luân phiên và quay cả video để rao bán trên mạng. Tôi xấu hổ và chỉ muốn chết đi cho xong”.
Biến cố này đã làm cho Jillian suy sụp và có lúc còn tìm đến với cái chết nhưng không thành. Và giờ đây, khi đứng lên từ địa ngục, cô Hoa hậu trẻ đã trở thành một sáng lập viên đầy mạnh mẽ và nhiệt huyết của một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về nạn buôn người, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Dàn Hoa hậu được dẫn đi tiếp khách cuối tháng 10/2012.
May mắn hơn những hoa hậu trên, nhưng Hoa hậu châu Á 2011 Phùng Tuyết Băng vẫn không tránh khỏi phận hồng nhan hẩm hiu khi trở thành trò vui cho các khách quý của lãnh đạo Đài ATV. Hoa hậu châu Á vốn không phải là một cuộc thi có uy tín cao, tuy nhiên khi sự việc các Hoa vương, Hoa hậu chiến thắng cuộc thi này phải xếp hàng để tiếp khách, ca hát, nhảy múa, phục vụ tiệc tùng cho đối tác hay bạn của Ban lãnh đạo ATV (đơn vị tổ chức cuộc thi) vẫn khiến cho dư luận Hong Kong “té ngửa”.
Người ta còn xót xa hơn khi nghe một nhân viên ở Đài ATV nói về trường hợp của Phùng Tuyết Băng: “Tuyết Băng nghĩ là nếu trở thành hoa hậu thì cô ấy có thể dễ dàng gia nhập và tiến thân trong giới showbiz trong vai trò nghệ sĩ. Nhưng cô ấy chẳng có công việc theo đúng nghĩa để làm, mà chỉ có thể làm những việc giống như ở hộp đêm, rồi còn phải thường xuyên theo lệnh sếp đi đây đi đó, ca hát nhảy múa, đón tiếp bạn bè của Vương Chính (lãnh đạo Đài ATV)”.
Gần đây nhất, báo chí Hong Kong lại phanh phui việc các Hoa hậu, Hoa vương châu Á như Trương Gia Doanh (Miss Asia 2007), Hứa Doanh (Miss Asia 2009), Vương Hân (Miss Asia 2010) đã phải trang điểm, đội vương miện, mặc trang phục dạ hội ngồi chờ khách từ 12h trưa cho đến 4h chiều. Cái danh Hoa hậu trong trường hợp này phải chăng đã quá “rẻ mạt”?
Là Hoa hậu, có nghĩa là cơ hội giao lưu, tiếp xúc với giới thượng lưu, doanh nhân thêm rộng mở, cũng như sẽ dễ tiến thân hơn. Nhưng nếu không tỉnh táo, khôn ngoan để phân định thiệt hơn, việc gì nên hay không nên làm, thì có khi chỉ cần chọn sai đường một lần, Hoa hậu sẽ mãi mãi không thể thoái lui. Đơn cử như trường hợp sa lầy vào tội ác của Hoa hậu Mexico Laura Zuniga.
Đường đường là Hoa hậu Bang Silanoa, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Nuestra Belleza Mexico 2008, Laura lại chọn con đường kết thân cùng một băng đảng ma túy mà bạn trai cô làm thủ lĩnh. Bị bắt vào tháng 12/2008 khi đang di chuyển cùng đồng bọn với một lượng lớn vũ khí, đạn dược và 53.300 USD, Laura không còn đường quay về cuộc sống bình thường nữa, nói chi đến việc tiếp tục được làm Hoa hậu.
Ngày 26/12, Ban tổ chức cuộc thi đã tuyên bố tước vương miện của Laura. Không còn giữ được danh hiệu, phải đón những tháng ngày còn lại trong lao tù, cay đắng nhìn người kế nhiệm sở hữu chiếc vương miện mà mình đã gắng công đạt được là thảm cảnh u tối nhất của “người đẹp ma túy” này. Ê chề hơn, tờ báo La Jornada còn tỏ ra thương hoa tiếc ngọc một cách đầy mỉa mai: “Liệu người đẹp có tàn phai nhan sắc trong bộ đồng phục cam của nhà tù?”
Thay vì hưởng ngôi vị Nữ hoàng nhan sắc, Hoa hậu Mexico Laura Zuniga lại phải “đếm lịch” trong tù vì tội buôn ma túy.
Cùng cảnh ngộ “xộ khám” như Hoa hậu Mexico Laura Zuniga, phải kể đến scandal bán dâm đình đám của một số hoa hậu ở nước ta là Hoa hậu Nam Mê Kông Võ Thị Mỹ Xuân, Á khôi 3 Miss Shining Beauty Trần Thị Hoa (người mẫu Thiên Kim)…
Nếu cựu Hoa hậu Indonesia - Angelina Sondakh, đồng thời là một nghị sĩ Quốc hội bị kết án 4,5 năm tù vì tội nhận hối lộ, thì thanh danh của Hoa hậu Mỹ 1991 Kelli Mccarty đã bị ảnh hưởng trầm trọng, khi tuyên bố giã từ nghệ thuật chính thống để chuyển sang gia nhập ngành công nghiệp giải trí dành cho người lớn…
Có thể thấy, việc giành lấy ngôi vị Nữ hoàng nhan sắc chỉ là một lợi thế vượt trội, nhưng chắc chắn không phải là yếu tố quyết định để mang đến sự thành công hay giàu sang, phú quý, giúp các nàng “một bước lên mây”. Để đạt được hạnh phúc như mong đợi, chắc hẳn Hoa hậu nào cũng cần phải biết tỉnh táo, khôn ngoan, tránh bị lung lay trước những cạm bẫy và cám dỗ ngọt ngào luôn chực chờ xung quanh.
0 nhận xét