Những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, không khí ở ấp Tân Mỹ B, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long dường như sôi nổi hơn vì những bàn tán về câu chuyện hy hữu nói trên. Người đàn ông thua bạc, phải chung vé số trừ nợ là ông Nguyễn Ngọc Khương (46 tuổi), ngụ tại địa chỉ trên. Nghĩ đến số tiền tỷ lẽ ra là của mình, chỉ vì một phút “lỡ dại” mà tiêu tan, ông Khương không khỏi bàng hoàng tiếc nuối.
Trước đó, sáng 19/1, ông Khương đến nhà của một người ở ấp Mỹ Chánh cùng xã Chánh An để làm thuê, đào lỗ trồng dưa hấu vụ sau Tết. Sau một buổi tập trung làm lụng, công việc được hoàn thành sớm hơn so với dự kiến. Ông chủ hào phóng mở tiệc nhậu đãi các vị khách.
Trong lúc hai người đang say sưa thì có người bán đến mời mua. Ông nhớ lại: “Thỉnh thoảng tôi cũng hay mua vé số. Hôm đó, đến nhà bạn làm thuê, thấy con bò cái nhà bạn mới đẻ. Tôi thấy cũng hay hay nên khi được mời mua vé số, tôi hỏi ngay con bò là số 41. Bà Đẹp, người bán vé số, chỉ vào xấp vé số rồi bảo, có ngay vé số 41, của đài Lâm Đồng. Mấy ngày gần Tết, vé số hay in tờ 20.000 đồng, trúng độc đắc luôn là 3 tỷ, gấp đôi vé số thường. Tôi đồng ý mua và trả tiền cho bà Đẹp, bỏ tờ vé số vào túi áo rồi nhậu tiếp”.
Ông Nguyễn Ngọc Khương, người “dại dột” gán vé số độc đắc vì 5000 đồng thua bạc.
Đến đầu giờ chiều, sau khi đã chuếnh choáng hơi men, ông Khương từ giã bạn, chân thấp chân cao đi bộ về nhà. Ba người hàng xóm của ông là ông Mười Xuân, ông Mãi và ông Tư Hùng đang ngồi trò chuyện, thấy ông Khương đi ngang qua, ba người mới gọi vào để gầy sòng đánh bài cho vui. Sẵn hơi men trong người, ông Khương càng hứng chí tham gia.
Mỗi ván chỉ ăn thua 5.000 đồng. “Ngay ván đầu tiên tôi thua liền, ông Mãi thắng. Tôi móc sạch các túi quần, túi áo cũng chỉ còn 3.000 đồng. Sực nhớ tờ vé số mua ban trưa, tôi rút ra chung luôn. Ông Mãi trả lại tôi 5.000 đồng, chắc cứ tưởng tờ vé số trị giá 10.000 đồng như ngày thường. Lúc đó tôi cũng không để ý nữa nên cứ ngồi chơi tiếp”, ông Khương kể lại.
Bốn người chơi được 4 ván bài thì giải tán. Ai lại về nhà nấy, ông Khương cũng đã thấm rượu, chẳng còn nhớ gì nữa cũng ráng lê lết về nhà ngủ. Còn ông Mãi cười nói với hai người bạn: “Chiều nay tui mà trúng tờ vé số này thì ông Khương có nước đi mà tự tử vì tiếc”.
Về tới nhà, vì đã ngà ngà say, ông Khương ngủ luôn một giấc tới chiều. Khi thức dậy, ông Khương vô cùng bất ngờ thấy bà Đẹp đang ở trong nhà mình. Vừa nói vừa thở, người phụ nữ bán vé số thông báo cho ông Khương, tờ vé số ông mua hồi chiều đã trúng độc đắc.
Còn chưa tỉnh rượu, ông Khương ngẩn ngơ suy nghĩ hồi lâu, rồi từ mừng rỡ đến hốt hoảng nhận ra rằng tờ vé số đã “dâng” cho người khác. Ông Khương và cả bà Đẹp đều không nhớ chính xác con số đã bán cho ông Khương. Ông Khương chỉ nhớ mang máng ba số cuối là 441. Còn bà Đẹp thì phán chắc chắn, năm số cuối của ông Khương là 58441.
Để chắc chắn, ông Khương trở lại nhà ông Mười Xuân, đem mọi chuyện kể lại cho ông bạn nghe. Ông Mười Xuân nghe xong thì gật gù gọi ông Mãi sang nói chuyện. Ông Mãi có mặt tại nhà ông Mười Xuân nhưng không nói năng gì, lặng lẽ trở về nhà, cùng vợ đi đâu đó không rõ, đến hơn 8h tối mới về.
Ông Khương lập luận: “Tờ vé số tôi mua 20.000 đồng, tôi thua 5.000 đồng, ông Mãi đưa lại tôi 5.000 đồng. Nghĩa là tôi vẫn còn 10.000 đồng trong đó. Tôi phải nhận một nửa giải thưởng mới là hợp lý”.
Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng, lúc nhận vé số của ông Khương thì đã trả lại đủ 15.000 đồng cho người đàn ông này. Còn chuyện trúng số là chuyện… không hề có. Dù ông Mãi chối việc mình có trúng số nhưng nhiều người dân nơi đây quả quyết việc ông trúng số là có thật.
Bà Đẹp, người đã bán vé số cho ông Khương.
Một tình tiết quan trọng khác là ông Khương hay bà Đẹp đều không nhớ chính xác dãy số mà ông Khương mua. Bà Đẹp cho biết: “Tui chắc chắn năm số cuối của tờ vé số đó là …58441, còn dãy số trúng thưởng đặc biệt của đài Lâm Đồng là 958441. Vậy nếu không trúng độc đắc 3 tỷ đồng thì cũng trúng được 200 triệu đồng an ủi”.
Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An xác nhận vụ việc lùm xùm giữa ông Mãi và ông Khương tranh chấp tờ vé số là có thật. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa nhận được một đơn thư nào cụ thể mà chỉ được người dân báo miệng nên chưa vào cuộc điều tra tìm hiểu.
Đến nay cuộc chiến vé số giữa ông Khương và ông Mãi vẫn chưa có kết quả. Những ngày năm mới, trong cảnh nhà khó khăn thiếu thốn, ông Khương càng nghĩ lại càng tức trong bụng khi trót dại dâng tiền tỷ vào tay kẻ khác. “Nếu mà nhận được nửa giải thưởng thì nhà tôi đổi đời rồi.”, ông Khương thở dài tiếc nuối.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, sự việc này có thể dễ dàng làm rõ nếu ông Khương có đơn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Về việc tờ vé số có trúng thưởng hay không, trúng thưởng bao nhiêu, cơ quan công an hoàn toàn có thể phối hợp với công ty xổ số xác định “chỉ mặt đặt tên”.
Luật sư cũng cho rằng đây là một giao dịch dân sự vô hiệu. Do mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật. Hai bên trao đổi tờ vé số để đánh bạc, nên theo quy định của bộ luật Dân sự, giao dịch này không có giá trị gì. Như vậy, nếu đưa sự việc ra trước pháp luật, ông Mãi sẽ phải trả lại ông Khương tờ vé số trúng.
Theo Pháp Luật Việt Nam
0 nhận xét