Trong phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng ngày 21/1, hầu hết các luật sư đều cho rằng, phần đối đáp của VKS trong ngày 20/1 về trách nhiệm của Vietinbank trong vụ án, chưa đi vào chi tiết và đầy đủ theo quan điểm đã phát biểu trước đó.
Bảo vệ cho ngân hàng Navibank (bị Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng) luật sư Trương Thanh Đức nêu, lập luận của VKS cho rằng "các hợp đồng mà Như ký với công ty, ngân hàng là thật với những đơn vị này nhưng lại giả với Vietinbank" là “đánh tráo khái niệm” chứ không thể thật với người này giả với người kia.
Dự kiến ngày mai còn nhiều luật sư đối đáp với VKS. Ảnh: Hải Duyên.
“Chỉ có phần vượt trần lãi suất mới được coi là hợp đồng thật với Navibank, giả với VietinBank, còn phần tiền gửi gốc với mức lãi suất 14%/năm là thật 100% với cả hai bên theo khái niệm của VKS”, luật sư Đức nói.
Vị luật sư cũng thắc mắc vì không hiểu tại sao đến thời điểm này VKS vẫn khẳng định Navibank không có chứng cứ cho thấy đã chuyển tiền vào Vietinbank trong khi tài khoản của khách hàng mở tại Vietinbank và gửi tiền vào ngân hàng này “rành rành”. Cả tài khoản cũng như tiền gửi đều đã và đang được VietinBank quản lý trong hệ thống tài khoản và sổ sách kế toán chính thức của ngân hàng này.
Luật sư Đức cũng bác bỏ những quan điểm của VKS cho rằng, Navibank có lỗi trong việc quản lý tài khoản, sổ tiết kiệm và tin tưởng vào Huyền Như một cách vô căn cứ. Bởi, trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách là thuộc về ngân hàng, còn khách hàng chỉ có trách nhiệm theo dõi số dư.
Dẫn chứng cho điều này, vị luật sư nhắc lại phần phát biểu quan điểm bảo vệ trước đó đã nêu trên trang web của Vietinbank ngày 16/1 có nội dung: “Tiền trên tài khoản của quý khách sẽ được VietinBank quản lý an toàn, chính xác và bảo mật”. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã được sửa lại là “Tiền trên tài khoản của doanh nghiệp được an toàn, bảo mật”.
“Điều đó có nghĩa là VietinBank khẳng định chính thức rằng, từ nay trở đi, VietinBank không có trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng và VietinBank không bảo đảm sự chính xác tài khoản của khách hàng?”, vị luật sư đặt câu hỏi và cho biết đã lưu lại những bằng chứng này.
Từ những lập luận đó, luật sư bảo vệ cho Navibank vẫn khẳng định Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền thiệt hại cho Navibank.
Bảo vệ cho ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám cũng cho rằng với cách lập luận “hợp đồng này chỉ thật với ACB nhưng giả với Vietinbank” thì chỉ có hợp đồng thật, tiền thật là của ACB, do người thật của ACB ký tên, khi ACB chuyển tiền vào Vietinbank cũng là chuyển tiền thật. Còn ngược lại, phía đối tác Vietinbank ký hợp đồng là giả.
“Nếu nói là giả, tức là các ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP HCM sẽ là người giả, chữ ký của các ông bà này cũng ký giả và con dấu cũng là giả? Và cũng theo logic đó, số tiền trong túi ACB là tiền thật, nhưng khi chuyển vào túi tiền của Vietinbank thì tự nhiên khoản tiền đó đã biến từ tiền thật thành tiền giả và Vietinbank trở thành người vô can?”, vị luật sư đặt câu hỏi.
Ngoài ra, luật sư Tám còn cho rằng, Vietinbank không trung thực khi che giấu việc chiếm đoạt tiền của ACB. Theo luật sư này, cáo trạng truy tố Huyền Như chiếm đoạt tổng cộng của ACB hơn 718 tỷ đồng. Trong khi tiền của ACB chuyển vào tài khoản tại Vietinbank, Như đã tự ý chuyển sang các sổ tiết kiệm sau đó mang đi thế chấp vay tiền của Vietinbank và chiếm đoạt. Nhưng về nguyên tắc, tiền đảm bảo trong tài khoản bao giờ cũng lớn hơn khoản tiền mà Vietinbank đã cho Huyền Như vay. Vì vậy nếu cân đối giữa tiền vay và tiền bảo đảm thì sẽ còn một khoản chênh lệch trong tài khoản tại Vietinbank.
Cụ thể, là trường hợp ông Phạm Công Hoàng (một trong 19 nhân viên ACB) thực hiện việc gửi tiền tại Vietinbank với số tiền 26 tỷ đồng. Nhưng theo kết luận điều tra và cáo trạng thì Huyền Như đã giả chữ ký để thế chấp của ông Hoàng tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ để vay số tiền 25 tỷ đồng. Số dư còn lại là 1 tỷ đồng.
Đến ngày 8/1, ông Phạm Công Hoàng nhận được thông báo của Vietinbank do bà Nguyễn Thị Ngân (Phó Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM) ký tên và đóng dấu với nội dung, số dư tài khoản nêu trên của ông Phạm Công Hoàng đến ngày 31/12/2013 là hơn 950 triệu đồng và yêu câu ông Hoàng phải xác nhận số dư này với phía Vietinbank.
Theo vị luật sư, giấy xác nhận này cho thấy kết luận của cơ quan điều tra, VKS về số tiền bị chiếm đoạt cho đến thời diểm này là hoàn toàn không chính xác. Chỉ riêng trường hợp của ông Hoàng số dư còn lại là 950 triệu. Như vậy, nếu tính 16 nhân viên còn lại của ACB đứng tên trên hợp đồng tiền gửi và sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại cũng không nhỏ. Tuy nhiên, với tình tiết này VKS cũng chưa đưa ra quan điểm tranh luận.
Ngoài ra, luật sư Tám cũng cho rằng việc VKS lý giải các giao dịch của ACB với Vietinbank là bất hợp pháp nên không áp dụng luật dân sư để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là không thỏa đáng. Bởi, nếu giao dịch này bị vô hiệu thì cũng chỉ vô hiệu đối với phần lãi suất vượt trần và theo quy định của pháp luật dân sự thì phần không bị vô hiệu (thỏa thuận lãi suất trong hợp đồng) vẫn có giá trị.
Kết thúc phần đối đáp, luật sư Tám vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng, ACB phải tham gia vụ án này với tư cách là nguyên đơn dân sự của Vietinbank chứ không phải của Huyền Như. Đồng thời đề nghị Vietinbank là đơn vị có trách nhiệm bồi thường số tiền ACB bị thiệt hại.
Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp với phần đối đáp của các luật sư còn lại và đại diện của các tổ chức, cá nhân bị hại trong vụ án.
Hải Duyên
0 nhận xét