Vụ án Đỗ Thị Kim Duân (SN 1974, trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) dùng kim khâu lốp đâm ngập đầu cháu bé N.N.M mới 40 ngày tuổi là con của “kẻ thứ ba” đã gây kinh động dư luận một thời. Tròn 4 năm, gặp lại những đứa trẻ trong vụ án này, các con của Duân thì sống trong nỗi tự ti, mặc cảm. Còn cháu bé bị đâm kim vào đầu vẫn phải vật lộn với những di chứng mà vết thương để lại.
“Đêm nào cũng khóc thét vì đau”
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1969, xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), mẹ của cháu bé N.M - nạn nhân của vụ đâm kim khâu 4 năm về trước vẫn không thay đổi. Nhưng chủ nhân ngôi nhà đã không còn ở đây sau vụ việc kinh hoàng đó.
“Cái Thanh sợ người ta lại hại cháu M nên nó chuyển vào sâu trong làng ở”, người hàng xóm của chị Thanh trả lời sau khi đã dò hỏi và xem giấy tờ của chúng tôi. Người này cho biết, “nếu là người ở dưới Đông Anh (quê gia đình hung thủ Duân - PV) lên thì chúng tôi không dám chỉ đường”.
Tuy được sự tận tình chỉ đường của người dân, chúng tôi cũng phải lòng vòng mãi mới đến được nhà mẹ con chị Thanh khi buổi chiều đã muộn. Đó là một căn nhà nhỏ gần cuối thôn, nép mình bên vách núi. Trước nhà, cháu bé N.M trông rất khôi ngô tuấn tú đang nghịch đất, khi chúng tôi vừa định hỏi thì một người phụ nữ chạy vụt từ ngoài vườn, kéo giật lấy cháu ôm gọn vào lòng. Chị lùi vội mấy bước chân, giọng líu lại: “Các chú là ai, từ đâu tới, sao lại động vào con tôi”. Nhìn cảnh tượng đó, khiến những người có mặt không khỏi thương cảm.
“Từ khi con tôi bị Duân đâm kim, không giờ phút nào tôi dám xa con, lơ là chăm sóc con. Đi đâu, làm gì tôi cũng lo sợ, tâm lý bất an”, chị Thanh nói.
Vụ án đau lòng bắt đầu từ khi anh Lê Mạnh Hồng, chồng của Đỗ Thị Kim Duân thầu công trình xây dựng và có con riêng với chị Nguyễn Thị Thanh. Khi phát hiện ra chồng mình phản bội, ngày 6/11/2009 Duân đã đến gặp chị Thanh yêu cầu chị không được tiếp tục quan hệ với chồng mình nữa. Sau tâm sự, câu chuyện dần đi vào sự thông cảm khi Duân khen đứa bé xinh xắn và có nhiều nét giống anh Hồng. Thấy đã quá giờ trưa, chị Thanh mời Duân ở lại ăn cơm. Để mua thêm thức ăn đãi khách, chị Thanh đưa cháu M để Duân bế. Đúng lúc này, anh Hồng gọi điện thoại cho Duân và không tiếc lời chửi mắng nhiếc móc. Uất ức và tủi nhục, Duân vớ ngay chiếc kim khâu dài gần 10cm ở trên bệ bếp đâm thẳng vào đầu cháu bé, khi đó cháu M mới được 40 ngày tuổi. Đỗ Thị Kim Duân đã bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên mức án 12 năm tù về tội “Giết người”, ngày 16/6/2010. |
Chị bảo, cả 4 năm qua, không hôm nào chị yên giấc bởi đêm nào N.M cũng quằn quại ôm đầu chịu đựng những cơn đau buốt hành hạ. Nhìn đứa con thơ dại phải chịu kiếp nạn thay cho mình, chị đau đến quặn lòng. Có nhiều đêm, N.M đang ngủ lại giật mình ôm vội mẹ và khóc thét lên: “Con đau đầu lắm mẹ ơi”. Những lúc như vậy, chị chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về, ru con mà nước mắt nghẹn ngào, ân hận.
Chị tâm sự, từ ngày N.M bị đâm ngập đầu đến giờ, những đêm như vậy với mẹ con chị diễn ra thường xuyên. “Ban ngày không sao, những cơn đau đầu của cháu thường đến vào 2h sáng. Nhất là những đêm giao mùa, những ngày rét buốt hay đêm hè oi nóng. Bác sĩ bảo, cháu đang trong quá trình phát triển, có ảnh hưởng về sau hay không thì vẫn chưa thể kết luận trước được điều gì”, chị Thanh nói.
“Chúng tôi cũng mất tất cả”
Nỗi đau của chị Thanh khi N.M phải gánh hậu quả do lỗi lầm của mình thì về phía gia đình của Đỗ Thị Kim Duân cũng bi đát không kém.
Ông Đỗ Nguyên Thấu (SN 1940), cha đẻ của Duân ở thôn Giao Tác, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội bước thấp, bước cao mệt mỏi từ vườn đi vào tiếp chuyện. Ông bảo, không ngờ ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà ông phải cay đắng, bất lực nhìn tổ ấm gia đình của cô con gái đổ vỡ. Chỉ vì một lúc cả giận mất khôn mà con ông đã đánh mất tất cả, ông không than trách người con rể đã vô tình biến vợ thành kẻ thủ ác mà chỉ thấy thương cho các cháu ngoại ngơ ngác, thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Ông không muốn phân bua hay mong sự cảm thông của người đời dành cho Duân vì ngay đến bản thân ông cũng khó có thể làm được điều ấy.
Những lúc sức khỏe khá hơn ông Thấu lại bắt xe lên trại 4, Phú Sơn (Thái Nguyên) để thăm con đang thụ án. “Lần nào tôi lên nó cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu N.M, nó ăn năn hối hận những việc mình đã làm. Nó bảo hôm ấy, nó chỉ muốn “ba mặt một lời” với chị Thanh, chứ không muốn làm tổn thương tới cháu bé. Chỉ đến khi bị chồng gọi điện dùng những lời lẽ nhục mạ, rồi dọa giết, ức quá Duân mất hết lý trí nên mới hành động như vậy”, ông Thấu thở dài.
Kể hết về con, ông lại nhắc đến hai đứa cháu ngoại, con của Duân là L.V.H (SN 1993) và L.V.Đ (SN 1996), từ ngày mẹ vướng vào tội lỗi, thiếu đôi bàn tay của mẹ chăm sóc, hai đứa phải chịu thiệt thòi nhiều. Trước đây, cả hai đứa đều học rất giỏi, ngay sau khi xảy ra sự việc, thằng bé thứ hai thấy xấu hổ vì bị ghẻ lạnh đã nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền tự trang trải cuộc sống. “Còn đứa đầu cũng đang học một trường cao đẳng, hy vọng cháu vượt qua được tất cả để lấy cái bằng, sau này còn lập nghiệp”, ông Thấu cho biết thêm.
Ngồi bên cạnh nghe ông ngoại tâm sự nguồn cơn bi kịch gia đình, cả hai anh em không giấu được những giọt nước mắt. Kể về con rể - chồng Duân, ông Thấu cho biết: “Từ ngày vợ đi tù, nó cũng đâm ra mặc cảm. Thỉnh thoảng Hồng vẫn sang nhà tôi chơi, tuy nhiên đa phần đến trong tình trạng “ma men”, ông Thấu tâm sự.
Ông cho biết, thời gian sẽ làm cho những chuyện buồn trôi qua. Ông hiểu sự lên án của xã hội đối với Duân, nhưng trong việc này nhiều người có lỗi chứ không phải chỉ mình con gái ông. “Nhà cháu N.M đau đớn khi con, cháu họ bị như thế nhưng gia đình tôi bây giờ cũng chẳng khá gì hơn. Toàn bộ câu chuyện này đều do người lớn gây ra, chỉ tội cho mấy đứa trẻ phải chịu tội. Tôi mong cháu N.M lớn lên không bị làm sao, còn Duân thì cải tạo tốt để trở về với gia đình”, ông Thấu nói.
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
0 nhận xét